Nhà số 6 lẻ 9

Pháo bông trên sân thượng.

Category: Jan

chợt

con chim sơn ca

em chưa từng thấy

chỉ nghe trong lời hát

có tiếng hót véo von

“véo von”

một tính từ phổ thông – con chim nào người ta cũng tả thế

em từng thấy

con chim chào mào

người ta bán năm mươi triệu

vì giọng ca hay

người ta tự hào

tôi

săn

được

em hay im lặng

thấy mình hèn

khi không thể đưa tay

len lén

mở cửa lồng

trả giọng ca ấy

về rừng

để con chim lại

cất tiếng hót véo von.

một mẩu chuyện cũ

hồi đó mình kể cho bạn đó là

Hồi nhỏ, hè nào em cũng đi tàu lửa về thăm nhà nội. Mẹ kể là năm đó, ngồi lâu chán quá, mẹ kêu em kể chuyện cho mẹ nghe. Em đứng lên ghế, dõng dạc kể thật to, vừa kể vừa hóa thân thành nhân vật trong chuyện. Biểu cảm dữ lắm. Em kể hết chuyện xong, cả toa tàu vỗ tay nức nở. Hồi đó đâu chừng em 5 tuổi. Em thấy waaaaa sao hồi nhỏ mình ngầu dữ. Không thể tin được đó là mình.

bạn đó nhìn mình xong nói

Có gì đâu mà không thể tin được. Anh nghĩ với tính cách của em thì từ lúc nhỏ như vậy là không có gì ngạc nhiên.

bây giờ nghĩ lại

Không có gì ngạc nhiên hết.

Mình đang làm đúng cái việc mà từ lúc nhỏ mình đã làm.

I got to do the job that I love doing. That’s a blessing.

vỏ đậu phộng rang tơi ra, mỏng như lụa

có những chuyện vu vơ được nghe kể, nhưng in đậm trong tâm trí, đến nỗi tưởng rằng đó là ký ức của riêng mình.

xin cảm ơn vì phép so sánh này. Hôm nay đã có dịp dùng đến.

Ngày thứ hai mươi ba

Ngày thứ hai mươi ba – Khi chúng ta cùng kể một câu chuyện chung

Anh em làm phim chúng tôi có đặc thù là không thể “work from home” được. Công việc của chúng tôi nằm trên phim trường, ngoài đời sống. Một ngày quay cần ít nhất ba chục con người. Chúng tôi không thể đặt đèn qua zoom hay chỉ đạo diễn xuất qua google meet – có những thứ cần phải tiếp xúc với nhau, cảm nhận bầu không khí ở nơi đó, và đưa ra những quyết định dựa trên thì hiện tại tiếp diễn. Từ ngày 31/05 đến nay, 61 ngày chúng tôi rời xa thế giới (duy nhất) mình từng biết.

Nhưng những câu chuyện không thể ngừng được kể. 

Nếu có điều gì tôi nhớ nhất sau khi đọc xong Lược Sử Loài Người (Sapiens – A Brief History Of Humankind), thì đó là khả năng kể chuyện của con người là thứ giúp chúng ta tổ chức những mô hình tập trung trên 150 cá thể một cách hiệu quả, vũ khí tối thượng giúp đẩy nhanh quá trình tiến hóa của người tinh khôn, vượt xa mọi chủng loài khác trên mặt đất này. 

Việc kể chuyện được mã hóa vào bộ gen của chúng ta, tồn tại ở cấp độ nguyên sơ. Nói cách khác, việc chia sẻ những câu chuyện vừa thiết thực cho việc sinh tồn (phân bổ thông tin cấp thiết), vừa là cách chúng ta cảm thấy được gắn kết (thuộc về tập thể) và được nhìn thấy (được thấu hiểu). 

Ngay cả khi bị giới hạn không gian trong bốn bức tường, những câu chuyện vẫn tìm cách để thoát ra. Chúng giúp ta tiếp tục thực hiện việc chia sẻ thông tin, kết nối và thấu hiểu, thông qua một mạng lưới không bị ràng buộc bởi bất kỳ một thực thể vật chất nào. Mỗi ngày, chúng ta đều có thể gọi điện cho người thân, chụp ảnh chung với nhau ngay khi mỗi người một nơi chốn, đăng ảnh lên Facebook, kể chuyện qua Stories, dạy nhảy bằng Livestream, chỉ nhau nấu ăn bằng Tiktok. Chúng ta kể chuyện, bất kể đó là chuyện gì, để giữ kết nối với nhau, để biết chúng ta không đơn độc trong hành trình kỳ lạ này. 

Những câu chuyện của một thời đại chưa từng có tiền lệ, sẽ cần một cách nhìn mới, một cách kể mới. Anh em chúng tôi không thể đến trường quay, không thể dùng những chiếc máy to cồng kềnh, không thể ở cạnh diễn viên để chỉ đạo diễn xuất – nhưng chúng tôi vẫn có thể kể chuyện. Và lần này, trường quay của chúng tôi được mở rộng – không chỉ ở phim trường, mà là ngôi nhà, căn bếp, căn phòng – ở bất kỳ đâu. Diễn viên của chúng tôi không đến từ những lò đào tạo chuyên nghiệp, mà là bất kỳ ai. Và những câu chuyện của chúng tôi không được vẽ tự thân trên trang giấy, mà đến từ cuộc sống. Chúng tôi góp nhặt câu chuyện của các bạn, và cùng nhau, kể một câu chuyện lớn – một câu chuyện của tất cả chúng ta. 

Mời các bạn xem dự án được nhắc đến trong bài ở đây:

Ngày thứ mười một

Ngày thứ mười một – Cho câu chuyện chung chút riêng tư

Sao Còn Đợi là dự án quảng cáo hiếm hoi tôi chủ động viết treatment mà không chờ đến khi có kết quả vòng trong. Lý do cũng hiếm thấy không kém, tôi thích đề bài này. Câu chuyện của nhãn hàng xoay quanh những người lớn tuổi trong gia đình chúng ta. Họ ở nhà, quanh quẩn bên con mèo, vườn cây, xem phim truyền hình, đi ra đi vào cho hết ngày, chờ đến giờ cơm tối. Vì chỉ vào giờ cơm tối, ngôi nhà mới bớt trống, mới ấm hơn, mới có tiếng người – khi con cháu tề tựu đủ đầy. 

Tôi thích người già. Thích nghe họ kể chuyện ngày xưa, những nếp sống nếp nghĩ tôi không thể nào có mặt để biết. Như chuyện bà ngoại tôi ngày xưa đội nón lá đạp xe, lận vàng trong lưng đi mua nhà. Cây piano ở phòng khách là do thời chiến tranh người ta chạy giặc, đem bỏ ra đường, ông bà tôi nhặt về. Ông cố được tiên cho bài thơ khuyên đi học làm thầy thuốc. Ông ngoại dạy học, nói tiếng Pháp ro ro. Bà nội ngày xưa cùng ông nội lội suối trèo đèo đi khai thác đá làm đường. Tôi thường cố hình dung một phiên bản trẻ tuổi hơn của ông bà tôi, một phiên bản không hằn dấu thời gian. Nhưng bộ não tôi không làm được, họ xuất hiện trong cuộc đời tôi với dáng hình như bây giờ, và tôi luôn nghĩ họ trông như thế suốt cả cuộc đời. 

Lúc nhỏ tôi có rất nhiều anh chị em họ ở cả hai bên nội ngoại. Lúc nào nhà của hai bên ông bà cũng luôn trong cảnh rần rật con nít, ồn ào rối ren như vỡ trận, đến mức đôi khi tôi cũng thắc mắc làm sao ông bà có thể chịu được tiếng la hét và những trò quậy phá như quỷ như ma của chúng tôi khi đó. 

Rồi đột nhiên, tất cả chúng tôi lớn. Tất cả chúng tôi biến mất. 

Có một thời gian tôi hay về thăm ngoại không báo trước. Tôi bị bất ngờ bởi không gian tĩnh tại quá đỗi của ngôi nhà, nơi xưa kia là pháo đài cho chiến lũy cho chúng tôi lập trận, bây giờ chỉ còn là một căn nhà to quá sức im lặng. 

Tôi khi đó đã tới tuổi nín thinh, các anh tôi đã đi du học hết, chỉ còn mình tôi lẽo đẽo theo sau lưng ngoại. Tôi thấy bà ngoại ngồi bên hồ cá, dưới giếng trời đọc tiểu thuyết, có khi cắm một bình hoa, hoặc không thì bà nằm trên võng xem phim truyền hình. Tôi thấy ông ngoại cất đi hộp đồ nghề cắt tóc vì giờ đây không còn cần nữa, các anh tôi đã lớn và bay sang Úc, không còn những buổi trưa cũ xếp hàng ở hành lang chờ cho ông tôi cắt tóc. Thay vào đó, ông dành những buổi trưa mới bên bàn làm việc, tự học Hán tự để đọc thơ Đường. Tôi thấy bà nội ngồi bên hiên bếp, lược từng thớ tổ vụn trong mớ yến, để làm yến sào cho ông nội ăn. Tôi thấy ông nội ngồi cặm cụi bên chiếc laptop từ thời kỳ đồ đá, chăm chú chơi xếp bài trên Solitaire. 

Tôi mang những ký ức và sự quan sát riêng tư đó bỏ vào trong phần tạo hình nhân vật của dự án, dù không kỳ vọng gì nhiều. Tôi biết khách hàng của mình là người như thế nào. Quả nhiên, đối với họ, bà phải ngồi trong bếp lặt rau hoặc nếu ngồi ngoài phòng khách thì phải đan khăn len cho cháu; ông phải ngồi đọc báo hoặc ra vườn tưới cây. Mặc cho cả hai nhà chúng tôi ra sức thuyết phục, khách hàng vẫn trung thành với chế độ mặc định của mình – với lý do quảng cáo là dành cho số đông, nên phải dùng những tạo hình an toàn, quen thuộc và chung nhất. 

An toàn, quen thuộc và chung nhất, cũng có nghĩa là đi vào lối mòn. Sự rập khuôn giết chết tính độc bản. Buổi họp hôm đó thật dài, cả hai nhà chúng tôi ra về với nụ cười buồn. 

Tôi vẫn thích dự án này, dù điểm trong lòng hơi tuột một chút, từ 8/10 chắc chỉ còn 6/10. Vì xét cho cùng, phảng phất sau những bóp nặn của khách hàng, vẫn còn sót lại chút dịu dàng riêng tư tôi đã cho vào. Đâu đó, sau những hình mẫu rập khuôn, vẫn là hình bóng của ông bà tôi, mà tôi đã gói ghém tình cảm của mình đặt vào trong đó. 

—-

Mời bạn xem thêm về dự án được nhắc đến trong bài ở đây: